Công an xã có được quyền xử phạt vi phạm giao thông không?

Người tham gia giao thông đôi khi bị Công an xã dừng xe và xử phạt vi phạm. Vậy hành vi này có đúng quy định của pháp luật không? Bài viết này của Pháp Luật Số sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi: Công an xã có được quyền xử phạt vi phạm giao thông không?

Công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông không?

Theo Nghị định 27/2010/NĐ-CP và Thông tư 01/2016/TT-BCA, ngoài lực lượng CSGT, các lực lượng cảnh sát khác và Công an xã cũng có nhiệm vụ phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, Công an xã có nhiệm vụ như sau:

– Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của Cảnh sát giao thông đường bộ và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

– Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng

– Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong Kế hoạch đã được phê duyệt.

Như vậy, Công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ ngay cả trong trường hợp không có CSGT đi cùng.

Khi nào Công an xã được phép xử phạt vi phạm giao thông?

Công an xã chỉ được phép thực hiện việc xử phạt trong thẩm quyền của mình, tức là khi đang đi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nói cách khác, theo sự huy động của người có thẩm quyền trong một số trường hợp cần thiết.

Trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

– Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị – xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương

– Các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp

– Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Người có thẩm quyền huy động lực lượng Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

– Bộ trưởng Bộ Công an: thẩm quyền huy động trong phạm vi toàn quốc

– Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội: thẩm quyền huy động trong phạm vi toàn quốc

– Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: thẩm quyền huy động trong phạm vi từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên.

– Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: thẩm quyền huy động trong phạm vi địa phương mình phụ trách.

Các hành vi vi phạm công an xã được phép xử lý

Thông tư 47/2011/TT-BCA quy định, Công an xã chỉ được xử phạt những hành vi vi phạm xảy ra trên tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lýthuộc một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh

– Đỗ xe ở lòng đường trái quy định

– Điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu

– Điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi

– Các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Công an xã không được phép dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Trên đây là nội dung Pháp Luật Số chia sẻ về câu hỏi Công an xã có được quyền xử phạt vi phạm giao thông không? hiện hành. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline của Pháp Luật Số để được tư vấn. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc! 

 

Leave a Comment