Xử lý Hành vi đầu cơ khẩu trang y tế trong tình hình dịch bệnh

Trong tình trạng diễn biến dịch Covid 19 ngày càng phức tạp, tình trạng đầu cơ, tích trữ khẩu trang cũng xảy ra phổ biến. Theo quy định pháp luật, hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này cho bạn.

Hành vi đầu cơ hàng hóa là gì?

Theo khoản 1 điều 196 Bộ luật hình sự 2015, có thể thấy: Đầu cơ là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.

Như vậy, hành vi đầu cơ xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế. Trong hoàn cảnh đặc biệt này có thể xảy ta tình hình khan hiếm hoặc một ai đó tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Trước tình hình này, người phạm pháp đã tiến hành mua vét hàng hóa nhằm bán lại với giá cao, thu lời bất chính.

Xử lý hành vi đầu cơ khẩu trang y tế như thế nào?

Tùy vào mức độ mà hành vi đầu cơ khẩu trang y tế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự:

Xử phạt vi phạm hành chính đối với  hành vi đầu cơ khẩu trang y tế

Theo nghị định 185/2013/NĐ-CP, cụ thể ở điều 46 quy định về mức xử phạt như sau:

Về mức phạt

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Như vậy, hành vi đầu cơ khẩu trang y tế trong tình hình dịch bệnh có thể bị xử lý hành chính nếu: Mua gom hành hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng nhằm bán lại thu lời bất chính mà không thuộc trường hợp xử lý hình sự.

Chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với hành vi đầu cơ khẩu trang y tế

Theo điều 196 Bộ luật hình sự 2015 về tội đầu cơ, Người  lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa nhưng hàng hóa này phải thuộc “danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá”

Tuy nhiên, theo Nghị định số 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế tại thời điểm hiện nay không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.

Do vậy, tại thời điểm này không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với hành vi đầu cơ kinh doanh mặt hàng khẩu trang.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu Chính phủ đưa khẩu trang y tế vào danh mục mặt hàng bình ổn giá tạm thời để trợ giúp phòng dịch thì việc găm hàng, đầu cơ để bán lại giá cao thu lợi có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Điều kiện của trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân phạm tội

Trên đây là các quy định pháp luật Xử lý Hành vi đầu cơ khẩu trang y tế trong tình hình dịch bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Leave a Comment