Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Văn phòng đăng ký đất đai là gì? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng đăng ký đất đai? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Pháp Luật Số.


Văn phòng đăng ký đất đai là một đơn vị mới được thành lập sau khi Luật Đất đai 2013 được ban hành. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai được quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC.

Văn phòng đăng ký đất đai là gì  

Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chức năng văn phòng đăng ký đất đai

– Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng:

– Thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất;

– Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định;

– Xây dựng, quản lý, cập nhật, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai;

– Cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và thực hiện các dịch vụ khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật

Nhiệm vụ, quyền hạn

– Thực hiện việc đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Thực hiện việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).

– Thực hiện việc đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

– Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; chỉnh lý bản đồ địa chính; trích lục bản đồ địa chính.

– Kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.

– Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật.

– Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành và tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực công tác được giao.


>>Xem thêm: Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất khai hoang 

                      Thủ tục đăng ký biến động đất đai vì giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên

Trên đây là tư vấn của Pháp Luật Số về Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với Pháp Luật Số để được tư vấn, giải đáp hoặc tham khảo dịch vụ tư vấn luật đất đai.

Leave a Comment