Trích lục hộ tịch là gì? Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch

Trích lục hộ tịch là gì? Trình tự, thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch mới nhất theo quy định pháp luật hiện nay được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây Pháp Luật Số sẽ giải đáp vấn đề này.


1. Trích lục hộ tịch là gì?

Theo khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.

Như vậy, theo quy định trên bản chính trích lục hộ tịch sẽ được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký còn đối với bản sao trích lục hộ tịch nếu có nhu cầu, công dân có thể thực hiện thủ tục xin cấp bản sao trích lục hộ tịch.

2. Giá trị pháp lý của bản sao trích lục

Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực có giá trị pháp lý như sau:

– Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, bản sao trích lục hộ tịch có giá trị tương đương như bản chính và được sử dụng thay thế bản chính trong việc thực hiện các giao dịch.

3. Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch

Trình tự, thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định tại Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

3.1. Hồ sơ đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch

– Giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai theo mẫu quy định đối với trường hợp người yêu cầu là cá nhân;

+ Văn bản yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch nêu rõ lý do trong trường hợp người yêu cầu là cơ quan, tổ chức;

+ Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

– Giấy tờ phải xuất trình:

+ Xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

3.2. Thẩm quyền cấp bản sao trích lục hộ tịch

Theo Điều 63 Luật Hộ tịch 2014, Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký. Theo đó Người có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch nơi lưu trữ sổ gốc thông tin hộ tịch để được trích lục.

3.3. Thời hạn giải quyết

Bản sao trích lục hộ tịch được cấp ngay trong ngày làm việc, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. 

Trên đây là nội dung bài viết Trích lục hộ tịch là gì? Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch, nếu có thắc mắc liên hệ Pháp Luật Số để được giải đáp.

Leave a Comment