Tổ chức khoa học và công nghệ là gì? Khái niệm và đặc điểm của tổ chức

Tổ chức khoa học và công nghệ là gì? Pháp luật quy định việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ như thế nào? Cùng Pháp Luật Số tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.


Tổ chức khoa học và công nghệ là gì?

Khoản 11 Điều 3 Luật khoa học và công nghệ 2013 (LKH&CN) quy định Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.


Hình thức và phân loại tổ chức khoa học và công nghệ

Hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ

Khoản 1 Điều 9 LKH&CN quy định Hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ như sau:

– Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;

– Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục đại học;

– Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Phân loại tổ chức khoa học và công nghệ

Tổ chức khoa học và công nghệ được phân loại như sau:

– Theo thẩm quyền thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ gồm các loại sau:

+ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

+ Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Chính phủ;

+ Toà án nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

+ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

+ Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của địa phương theo thẩm quyền;

+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật và điều lệ;

+ Doanh nghiệp, tổ chức khác, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của mình.

– Theo chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức nghiên cứu cơ bản, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ;

– Theo hình thức sở hữu, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài.


Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ

Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi có đủ điều kiện sau đây:

– Có điều lệ tổ chức và hoạt động, mục tiêu, phương hướng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật;

– Nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động.

Ngoài ra, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ.

Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định.

Việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

– Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam;

– Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;

– Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.

Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

Trên đây là nội dung Tổ chức khoa học và công nghệ là gì? theo quy định hiện nay Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số.

Leave a Comment