Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức

Pháp luật hiện nay quy định viên chức là những ai? Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức được quy định như thế nào?


Viên chức là ai?

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Theo vị trí việc làm, viên chức được phân loại như sau:

– Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.

– Viên chức không giữ chức vụ quản lý bao gồm những người chỉ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo chức danh nghề nghiệp, viên chức được phân loại trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp với các cấp độ từ cao xuống thấp như sau:

– Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I;

– Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II;

– Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III;

– Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.


Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức

Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn

Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức quy định viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (phải báo trước bằng văn bản ít nhất 03 ngày làm việc)

– Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (phải báo trước bằng văn bản ít nhất 03 ngày làm việc)

– Bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc (phải báo trước bằng văn bản ít nhất 3 ngày làm việc)

– Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động ( báo trước bằng văn bản ít nhất 30 ngày)

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

–  Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (phải báo trước bằng văn bản ít nhất 3 ngày làm việc)

Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày. (theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức)


Quy định về giải quyết thôi việc đối với viên chức

Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

– Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

– Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;

– Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

– Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

Trên đây là nội dung Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số.

Leave a Comment