Quyền của người bệnh khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế

Khi tới khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, người bệnh được pháp luật bảo vệ và ghi nhận nhiều quyền hạn để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên không phải người bệnh nào và thân của họ cũng nắm được các quyền lợi này.

Quyền của người bệnh được ghi nhận tại Mục I, chương 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 như sau:

1. Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế

– Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh.

– Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.

(Quy định tại Điều 7 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2.  Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư

– Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

– Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

(Quy định tại Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

3. Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh

– Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.

–  Được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng.

– Không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.

(Quy định tại Điều 9 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

4. Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh

– Được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị.

– Chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh.

– Được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám bệnh, chữa bệnh.

(Quy định tại Điều 10 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

5. Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh

– Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

(Quy định tại Điều 11 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

6. Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

– Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

– Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của người hành nghề, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

(Quy định tại Điều 12 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

7. Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

– Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

– Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

(Quy định tại Điều 13 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009

 

Leave a Comment