Quy định về hợp đồng thử việc mà người lao động cần biết

Để đảm bảo tốt quá trình làm việc của người lao động thì doanh nghiệp thường có những khoảng thời gian để thử việc đối với mỗi người lao động mới. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người lao động không hiểu rõ quy định về hợp đồng thử việc dẫn đến tình trạng chịu thiệt thòi không đáng có.  Vì vậy, để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì sâu đây là một số quy định về hợp đồng thử việc mà người lao động cần biết:

Quy định về giao kết hợp đồng thử việc

Theo Khoản 1 Điều 26 Bộ Luật lao động 2012 quy định về thử việc như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.”

Khi người lao động thử việc phải được ký kết hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động, và trong hợp đồng phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Hợp đồng thử việc có nội dung gần giống với hợp đồng lao động chính thức, tuy nhiên, nội dung hợp đồng không bao gồm: Chế độ nâng bậc, nâng lương; Bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế; Chế độ bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.


Quy định về thời gian thử việc và chế độ lương

Về thời gian thử việc:

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ Luật lao động 2012 như sau:

  •  Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
  • Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận (Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Lao động 2012).

Về chế độ lương trong thời gian thử việc:

Điều 28 Bộ luật lao động 2012 quy định về tiền lương trong thời gian thử việc như sau:

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Xem thêm: Quy định về thời giờ làm việc bình thường của người lao động


Quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian thử việc

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: 

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Đối chiếu với quy định trên, có thể hiểu người lao động trong thời gian thử việc (chưa giao kết hợp đồng lao động) không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012: Trong trường hợp này, ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Xem thêm:Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì theo quy định của pháp luật?


Quy định xử phạt vphạm hành chính về thử việc

Theo Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015) quy định: 

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

  • Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;
  • Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  • Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
  • Thử việc quá thời gian quy định;
  • Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
  • Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi :
  • Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;
  • Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
  • Thử việc quá thời gian quy định;
  • Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

Xem thêm:Những điểm cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thử việc


Trên đây là toàn bộ nội duy quy định về hợp đồng thử việc mà người lao động cần biết mà Pháp Luật Số gửi tới bạn đọc. Nếu còn thắc mắc, băn khoăn gì về vấn đề này hãy gọi ngay cho Pháp Luật Số để được tư vấn trực tiếp!

Leave a Comment