Quy định pháp luật về đăng ký tàu biển

Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Vậy quy định pháp luật về đăng ký tàu biển như thế nào?

Đăng ký tàu biển Việt Nam và hình thức đăng ký tàu biển

– Đăng ký tàu biển là việc ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam theo quy định của Bộ luật hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm các hình thức sau đây:

+ Đăng ký tàu biển không thời hạn;

+ Đăng ký tàu biển có thời hạn;

+ Đăng ký thay đổi;

+ Đăng ký tàu biển tạm thời;

+ Đăng ký tàu biển đang đóng;

+ Đăng ký tàu biển loại nhỏ.

Nguyên tắc đăng ký tàu biển

– Việc đăng ký tàu biển Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, bao gồm đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam và đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó. Trường hợp tàu biển thuộc sở hữu của từ hai tổ chức, cá nhân trở lên thì việc đăng ký phải ghi rõ các chủ sở hữu và tỷ lệ sở hữu tàu biển đó.

+ Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài có đủ điều kiện quy định được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Việc đăng ký tàu biển Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam và đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó hoặc chỉ đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam.

+ Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam;

– Tàu biển đã đăng ký ở nước ngoài không được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp đăng ký cũ đã được tạm ngừng hoặc đã bị xóa;

– Việc đăng ký tàu biển Việt Nam do Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thực hiện công khai và thu lệ phí; tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và phải nộp lệ phí.

– Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài.

Các loại tàu biển phải đăng ký

– Các loại tàu biển sau đây phải đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam:

+ Tàu biển có động cơ với tổng công suất máy chính từ 75 kilôwatt (KW) trở lên;

+ Tàu biển không có động cơ, nhưng có tổng dung tích từ 50 GT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét (m) trở lên;

+ Tàu biển nhỏ hơn các loại tàu biển quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài.

– Việc đăng ký các loại tàu biển không thuộc trường hợp quy định.

Điều kiện đăng ký tàu biển Việt Nam

– Tàu biển khi đăng ký phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu biển;

+ Giấy chứng nhận dung tích, giấy chứng nhận phân cấp tàu biển;

+ Tên gọi riêng của tàu biển;

+ Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký hoặc xóa đăng ký, nếu tàu biển đó đã được đăng ký ở nước ngoài, trừ trường hợp đăng ký tạm thời;

+ Chủ tàu có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;

+ Tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng lần đầu tiên đăng ký hoặc đăng ký lại tại Việt Nam phải có tuổi tàu phù hợp với từng loại tàu biển theo quy định của Chính phủ;

+ Đã nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

– Tàu biển nước ngoài được tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu khi đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, ngoài các điều kiện quy định phải có hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê mua tàu.

Đặt tên tàu biển Việt Nam

– Tàu biển Việt Nam phải được đặt tên và theo nguyên tắc sau đây:

+ Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

+ Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

+ Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

>> Xem thêm: Cảng biển là gì? Tiêu chí xác định cảng biển như nào?

Đăng ký tàu biển đang đóng

– Chủ tàu biển đang đóng có quyền đăng ký tàu biển đang đóng trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng. Giấy chứng nhận này không có giá trị thay thế Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam.

– Tàu biển đang đóng khi đăng ký phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có hợp đồng đóng tàu hoặc hợp đồng mua bán tàu biển đang đóng;

+ Tên gọi riêng của tàu biển đang đóng;

+ Tàu đã được đặt sống chính.

Nội dung cơ bản của Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam

– Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam có nội dung cơ bản sau đây:

+ Tên cũ, tên mới của tàu biển; tên, nơi đặt trụ sở của chủ tàu; tên, nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của chủ tàu nước ngoài; tên, nơi đặt trụ sở của người thuê tàu trần, người thuê mua tàu xin đăng ký; tên người khai thác tàu (nếu có); loại tàu biển và mục đích sử dụng;

+ Cảng đăng ký;

+ Số đăng ký;

+ Thời điểm đăng ký;

+ Tên, địa chỉ nhà máy đóng tàu biển và năm đóng tàu biển;

+ Các thông số kỹ thuật chính của tàu biển;

+ Tình trạng sở hữu tàu biển và những thay đổi có liên quan đến sở hữu;

+ Thời điểm và lý do của việc xóa đăng ký;

+ Thông tin về đăng ký thế chấp tàu biển.

– Mọi thay đổi về nội dung đăng ký quy định trên phải được ghi rõ vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

Trên đây là quy định của pháp luật về đăng ký tàu biển. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

Leave a Comment