Quy định pháp luật hiện hành về chứng nhận lãnh sự

Chứng nhận lãnh sự là gì? Những lưu ý về việc xin xác nhận chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.


1. Chứng nhận lãnh sự là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP Về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự nêu rõ: “Chứng nhận lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở nước ngoài.

Như vậy, để được công nhận và sử dụng ở nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phải được chứng nhận lãnh sự trừ những giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự.

Việc chứng nhận lãnh sự chỉ là chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu.

2. Các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự

– Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

– Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

– Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

3. Các giấy tờ, tài liệu không được chứng nhận lãnh sự

– Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định pháp luật.

– Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự có các chi tiết mâu thuẫn nhau.

Giấy tờ, tài liệu giả mạo hoặc được cấp, chứng nhận sai thẩm quyền theo quy định pháp luật.

– Giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc.

– Giấy tờ, tài liệu có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

4. Trình tự, thủ tục chứng nhận lãnh sự

Trình tự, thủ tục chứng nhận giấy tờ, tài liệu tại cơ quan Bộ ngoại giao được thực hiện như sau:

4.1. Hồ sơ chứng nhận lãnh sự tại Bộ Ngoại giao

Người đề nghị chứng nhận lãnh sự nộp 01 bộ hồ sơ gồm:

– 01 Tờ khai chứng nhận lãnh sự theo mẫu quy định;

– Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;

– 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;

– Giấy tờ, tài liệu đề nghị được chứng nhận lãnh sự, kèm theo 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu này để lưu tại Bộ Ngoại giao.

Lưu ý: Trường hợp cần kiểm tra tính xác thực của giấy tờ, tài liệu đề nghị được chứng nhận lãnh sự, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể yêu cầu người đề nghị chứng nhận lãnh sự xuất trình bổ sung bản chính giấy tờ, tài liệu có liên quan và nộp 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu này để lưu tại Bộ Ngoại giao.

4.2. Địa điểm nộp hồ sơ

Người đề nghị chứng nhận lãnh sự có thể nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cơ quan ngoại vụ địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4.3. Thời hạn giải quyết

Thời hạn giải quyết là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật hiện hành về chứng nhận lãnh sự, Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên hệ Pháp Luật Số để được tư vấn và giải đáp.

Xem thêm: Quy định pháp luật Việt Nam về hợp pháp hóa lãnh sự

Leave a Comment