Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường theo quy định hiện nay

Công an xã, phường có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào trong công tác quản lý tại địa phương cũng như theo sự chỉ đạo của cấp trên? Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường là gì? Cùng Pháp Luật Số tìm hiểu nội dung này dưới đây.


Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường được quy định tại Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 12/2010/TT-BCA. Cụ thể, công an xã, phường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

Table of Contents

1. Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đề xuất với cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó.

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 96/2016/NĐ-CP định nghĩa An ninh, trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, công an xã, phường có nhiệm vụ nắm tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa phương mình quản lý, từ đó, có biện pháp bảo đảm, chủ trương và kế hoạch cụ thể để đề xuất với cấp trên theo đúng quy định.


2. Làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cùng cấp về chủ trương, kế hoạch, nội dung, hình thức, biện pháp phát động, duy trì và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ an ninh Tổ quốc cho nhân dân; chăm lo xây dựng, củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, giúp các tổ chức này hoạt động có hiệu quả và trở thành hạt nhân thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã.


3. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xá, người sau cai nghiện ma túy và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật.

Bộ luật hình sự 2015 quy định về một số hình phạt như sau:

– Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

– Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

– Quản chế là một trong những hình phạt bổ sung được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 32 BLHS.


4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.

Công an xã có trách nhiệm chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác trên địa bàn xã:

– Tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân cùng cấp về nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác đó; kịp thời phát hiện, giải quyết và tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn mới nảy sinh trong quần chúng nhân dân, các hiện tượng tiêu cực dễ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật khác; có kế hoạch xây dựng cơ sở quần chúng để nắm tình hình an ninh, trật tự; phát hiện, theo dõi những hiện tượng nghi vấn, những người có biểu hiện vi phạm pháp luật để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm tội, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn xã.


5. Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

Công an xã có trách nhiệm:

– Tổ chức thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú theo thẩm quyền; nắm tình hình hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn xã; xây dựng kế hoạch kiểm tra cư trú; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ giải quyết đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng của công dân; nắm chắc và thực hiện chế độ báo cáo lên Công an cấp trên về tình hình, số lượng nhân khẩu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang thực tế cư trú trên địa bàn; tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú.

– Nắm số người từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân, các trường hợp hết hạn sử dụng hoặc mất giấy chứng minh nhân dân để lập danh sách, báo cáo đề xuất Trưởng Công an cấp huyện cấp, cấp lại giấy chứng minh nhân dân cho công dân..

– Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, về bảo vệ môi trường;

– Nắm tình hình, số lượng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, lập danh sách, thống kê số lượng cơ sở và người làm việc tại các cơ sở kinh doanh đó.

Xem thêm: Không đăng kí tạm trú có bị phạt không? Ai là người chịu phạt?

Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân mới nhất


6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi phạm tội quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền.

Khoản 1 Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”

Vậy tại sao lại quy định nhiệm vụ quyền hạn của công an xã phường trong lĩnh vực này? Có thể thấy mức độ nguy hiểm của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang và việc kiểm tra và thu giữ hung khí của những đối tượng này là cần thiết. Các cán bộ công an xã, phường là người quản lý trực tiếp địa phương mình, do đó, có thể nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ này.


 7. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.

Công an xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã. Trường hợp gặp khó khăn, vượt quá khả năng của Công an xã thì phải báo cáo ngay lên Công an cấp trên trực tiếp để có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.

Sau khi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm hoặc tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, phải lập biên bản theo quy định và dẫn giải ngay đối tượng lên Công an cấp trên; trường hợp ban đêm hoặc đường xa, không thể dẫn giải ngay lên Công an cấp trên được thì phải tổ chức quản lý chặt chẽ người bị bắt tại trụ sở Công an xã hoặc trụ sở Ủy ban nhân dân xã và phải bố trí người canh gác, không để người bị bắt bỏ trốn hoặc tự sát.

Việc quản lý đối tượng nêu trên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp người bị bắt là đối tượng nguy hiểm thì được khóa tay, tước vũ khí, hung khí của đối tượng, đồng thời phải bằng mọi cách báo ngay với cơ quan Công an cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.


8. Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

Cụ thể, trong lĩnh vực  hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

– Phạt cảnh cáo;

– Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 5.000.000 đồng;

– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, gồm:

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh

+  Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại


9. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Khoản 2 Điều 2 Luật Công an nhân dân định nghĩa “Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội”. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công an xã, phường nhằm quản lý địa phương mình.


10. Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm, được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân và phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước.

Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm thì Trưởng Công an xã hoặc Phó trưởng Công an xã được Trưởng Công an xã ủy quyền được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ và phải trả lại ngay phương tiện đã huy động khi tình huống chấm dứt và phải báo cáo ngay với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc huy động đó; người huy động phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân xã và trước pháp luật về việc huy động của mình.

Xem thêm: Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể


11. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Khoản 1 và Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ định nghĩa như sau:

– Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

– Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.


12. Tham gia thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân; luyện tập, diễn tập thực hiện các phương án quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác.

Về lực lượng vũ trang nhân dân, Điều 23 Luật quốc phòng quy định Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.


13. Xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ.

14. Ngoài ra, công an xã có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội do cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cùng cấp và Công an cấp trên giao.Trường hợp nhiệm vụ được giao không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an xã hoặc cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã có ý kiến chỉ đạo khác với ý kiến chỉ đạo của Công an cấp trên thì phải kiến nghị, đề xuất với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã có sự điều chỉnh cho phù hợp; trường hợp cần thiết thì phải báo cáo Trưởng Công an cấp huyện để có sự phối hợp, chỉ đạo kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm sự thống nhất giữa cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã và Công an cấp trên.


Trên đây là nội dung Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường theo quy định hiện nay Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số.

Xem thêm: Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Leave a Comment