Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi

Khi sử dụng lao động là người cao tuổi thì tổ chức, doanh nghiệp cần chú ý các quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng đối tượng này. Dưới đây là một số lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi.

Người lao động cao tuổi là gì?

Người lao động cao tuổi là những người sau tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ vẫn tiếp tục lao động (kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động mới) theo sự thỏa thuận với người sử dụng lao động khi có nhu cầu.

Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.


Thời gian làm việc của người cao tuổi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 166 Bộ luật lao động 2012, người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thời gian làm việc được rút ngắn tối đa cho người lao động cao tuổi.

Trường hợp người lao động không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu thì theo khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.


Các trường hợp không được ký kết hợp đồng với người lao động cao tuổi

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt khi người lao động cao tuổi đáp ứng các điều kiện theo Điều 29 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, bao gồm:

– Người lao động cao tuổi phải là người có kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; trong đó có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục tính đến trước thời Điểm ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi;

– Người lao động cao tuổi là người có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, sát hạch trước khi ký hợp đồng lao động;

– Người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành tương ứng với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm;

– Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;

– Phải bố trí ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm với người lao động cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc;

– Có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.

Xem thêm: Những công việc không được phép sử dụng lao động nữ


Chăm sóc sức khỏe cho người lao động cao tuổi

Căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe của từng loại công việc mà người sử dụng lao động tuyển dụng và sắp xếp công việc phù hợp cho người cao tuổi.

Hàng năm, cứ 06 tháng một lần, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cao tuổi. Hồ sơ sức khỏe của người cao tuổi phải được người sử dụng lao động quản lý và theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế.


Lương hưu cho người cao tuổi

– Khi người lao động cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu và đáp ứng các điều kiện hưởng lương hưu (Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014) sẽ được hưởng chế độ hưu trí (hưởng lương hưu hàng tháng). Khi đó, người lao động cao tuổi không còn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nữa. 

– Khi người cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ các điều kiện hưởng lương hưu, doanh nghiệp và người lao động cao tuổi vẫn tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên), đóng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp (nếu giao kết hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên) đến khi người lao động cao tuổi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Xem thêm: Cách tính lương hưu cho người lao động theo luật mới

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.

Leave a Comment