Miễn nhiệm là gì ? Khái niệm và các quy định pháp luật

Miễn nhiệm là gì ? Khái niệm và các quy định pháp luật. Miễn nhiệm được áp dụng ở những lĩnh vực nào trong cuộc sống và kinh doanh. 


Miễn nhiệm là gì

Trong công tác quản lý bộ máy Nhà nước hay các tổ chức, doanh nghiệp chúng ta thường gặp các trường hợp miễn nhiệm. Đây đều là những cụm từ dùng để chỉ việc thôi không còn giữ chức vụ khi đã được bầu, bổ nhiệm và nhiều người rất hay nhầm lẫn về các cụm từ này. Vậy miễn nhiệm được hiểu như thế nào?

Theo khoản 6 điều 7 luật cán bộ công chức năm 2008:

Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Còn đối với các tổ chức hay doanh nghiệp thì chưa có quy định cụ thể thế nào là miễn nhiệm. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu miễn nhiệm là việc một người được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.


Miễn nhiệm được áp dụng đối với các trường hợp cán bộ công chức

Cán bộ, công chức nhà nước và các chức danh quản lý ở tổ chức, doanh nghiệp ngoài sẽ có các trường hợp miễn nhiệm khác nhau.

Các trường hợp miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức nhà nước 

– Cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao; không đủ năng lực, uy tín mà theo yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

– Cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng chưa tới mức cách chức hoặc bãi nhiệm;

– Cán bộ, công chức đang giữ chức vụ có nguyện vọng xin thôi giữ chức;

– Theo đề nghị của cán bộ, công chức vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

Hệ quả của miễn nhiệm là cán bộ, công chức

không còn làm việc và giữ chức vụ đó tại cơ quan nhà nước mà có thể làm việc tại một vị trí, chức vụ khác trong cơ quan nhà nước. Khác với bãi nhiệm và cách thức thì cán bộ sẽ không còn làm việc tại cơ quan nhà nước nữa.

Theo quy định về sử dụng và quản lý công chức thì công chức sau khi miễn nhiệm hưởng một số chế độ như sau:

– Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.

– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý  được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; do không đủ năng lực, uy tín để làm việc; do vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.


Miễn nhiệm trong doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp, các chức danh quản lý công ty có thể bị miễn nhiệm như:

Đối với công ty cổ phần, các chức danh có thể bị miễn nhiệm như: Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và những người quản lý khác của công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, các chức danh có thể bị miễn nhiệm như: Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và những người quản lý khác của công ty.

Trên đây là khái niệm và quy định về miễn nhiệm Pháp Luật Số gửi bạn đọc.

Leave a Comment