Không sang tên xe liệu có bị phạt? Thủ tục sang tên xe gồm những gì?

Thực tế nhiều người mua xe chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sang tên đổi chủ, đến khi xảy ra chuyện mới gặp rắc rối pháp lý, không bảo vệ được quyền lợi bị xử phạt hành chính. Vậy không sang tên xe liệu có bị phạt?

1. Các trường hợp bị phạt khi không làm thủ tục sang tên xe

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nêu rõ: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị phạt tiền.

>>>Lưu ý: Không phải mọi trường hợp lái xe không phải mình đứng tên chủ sở hữu đều bị phạt. Cụ thể, theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019 việc xác minh để phát hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế chỉ được thực hiện thông qua 2 trường hợp:

+ Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

+ Qua công tác đăng ký xe.

2. Mức phạt hành vi vi phạm

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng kí sang tên xe.

 – Phạt tiền từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 – 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

3. Thủ tục sang tên xe

Tùy vào từng trường hợp là sang tên xe cùng tỉnh, khác tỉnh hay từ tỉnh khác chuyển đến mà giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị là khác nhau, cụ thể được quy định tại các Điều 11, 12, 13 Thông tư 15/2014/TT-BCA như sau:

Trường hợp 1: Sang tên trong cùng tỉnh

Đối với trường hợp này, hồ sơ gồm có:

+ Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA).

+ Giấy chứng nhận đăng ký xe.

+ Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại khoản 1 Điều 10, ở đây là giấy tờ mua bán xe có công chứng hoặc chứng thực theo quy định.

+ Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 2 Điều 10, ở đây là biên lai hoặc giấy nộp tiền lệ phí trước bạ.

Trường hợp 2: Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác

Tổ chức, cá nhân mua xe đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục, không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư 15/2014/TT-BCA và nộp hồ sơ gồm:

+ Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

+ Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.

+ Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

+ Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc Sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.

Trường hợp 3: Đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến

Chủ xe phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư 15/2014/TT-BCA và nộp hồ sơ gồm:

+ Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

+ Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

+ Giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển quyền sở hữu xe quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

+ Hồ sơ gốc của xe theo quy định.

Xem thêm: Xe không chính chủ phạt bao nhiêu? Hiểu thế nào về xe không chính chủ?

Trên đây là các quy định của pháp luật hiện hành về mức phạt và trình tư, thủ tục sang tên xe. Nếu có thắc mắc hoặc muốn giải đáp về từng trường hợp cụ thể vui lòng liên hệ với Pháp Luật Số.

Leave a Comment