Được thế chấp nhà đất cho cá nhân, tổ chức để đảm bảo nghĩa vụ

ĐƯỢC THẾ CHẤP NHÀ ĐẤT CHO CÁ NHÂN, TỔ CHỨC ĐỂ ĐẢM BẢO NGHĨA VỤ

Cá nhân có được quyền thế chấp tài sản là bất động sản cho cá nhân, tổ chức mà không phải là tổ chức tín dụng để vay tiền không?

Trước khi Luật đất đai 2013, Luật nhà ở 2014 chưa được ban hành đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi do có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay khi các luật trên đã có hiệu lực thi hành, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa áp dụng do còn bị ảnh hưởng bởi các quy định pháp luật trước đây.

Điều 114 Luật Nhà ở năm 2005 quy định “chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để đảm bảo thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ nhưng chỉ được thế chấp ở tại một tổ chức tín dụng”. Quy định này đã dẫn đến 2 cách hiểu cách nhau:

– Thế chấp nhà ở chỉ được thực hiện ở các tổ chức tín dụng và cá nhân không được nhận thế chấp nhà ở.

– Trường hợp thế chấp nhà ở để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ thì các nghĩa vụ này chỉ được thực hiện tại một tổ chức tín dụng.

Do có nhiều cách hiểu này mà nhiều hồ sơ đăng ký thế chấp nhà giữa cá nhân với cá nhân gặp khó khăn hoặc không thực hiện được trong thực tế.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đã được pháp luật quy định rõ:

Khoản 1 Điều 342 Bộ luật dân sự 2005 quy định “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.”

Theo điểm g khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế có quyền “thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo điểm đ khoản 2 Điều 179 Luật đất đai 2013 thì cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền “thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.”

Tại khoản 2 Điều 144 Luật nhà ở 2014 quy định “Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.”

Điều kiện của cá nhân, tổ chức nhận thế chấp nhà ở được quy định tại Điều 119 Luật nhà ở 2014 như sau:

2. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:

a) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;

b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

3. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành đều cho phép cá nhân, tổ chức nhận thế chấp quyền sử dụng đất cũng như quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trên đây là một số quy định của về việc cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn gắn liền với đất Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy liên hệ với Pháp Luật Số theo thông tin trên Website để được giải đáp

Leave a Comment