Định đoạt tài sản của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi

Định đoạt tài sản của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi như thế nào ? Những trường hợp nào, đối tượng nào có quyền định đoạt tài sản của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi ?

Khoản 2 Điều 20 Bộ luật dân sự 2005 quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình định đoạt tài sản riêng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, những trường hợp pháp luật có quy định khác được quy định thế nào; người đại diện theo pháp luật của người từ đủ 15 tuối đến chưa đủ mười tám tuổi là ai; Quyền định đoạt tài sản của người đại diện theo pháp luật của họ được quy định thế nào.

Pháp Luật Số sẽ giải đáp những vấn đề này.

Người đại diện theo pháp luật của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi căn cứ theo Điều 141 Bộ luật dân sự là Cha, mẹ của họ hoặc người Giám hộ của họ.

1. Cha mẹ định đoạt tài sản

Cha mẹ có quyền định đoạt tài sản của con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi căn cứ theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014.  Cụ thể Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

  1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
  2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
  4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.

Tuy nhiên, khi cha mẹ định đoạt tài sản phải tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật dân sự 2005 “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

2. Người giám hộ định đoạt tài sản

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể có người giám hộ khi không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu.

Người giám hộ của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người được được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.

Người giám hộ đương nhiên

Người giám hộ đương nhiên của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi căn cứ theo quy định tại Điều 61 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ

Người giám hộ được cử

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể có Người giám hộ được cử trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên . Căn cứ theo quy định tại Điều 63 Bộ luật dân sự 2005, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ

Quyền định đoạt tài sản 

Người giám hộ của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có các quyền định đoạt tài sản căn cứ theo Điều 68 Bộ luật dân sự 2005

1. Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ;

2. Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

3. Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ

Tuy nhiên, khi định đoạt tài sản của người được giám hộ, người giám hộ phải tuân thủ các hạn chế và thủ tục theo quy định của pháp luật sau:

–  Người giám hộ  chỉ “Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật dân sự 2005.

–  Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác (Quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005).

–  Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ (khoản 3 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005).

3.Những trường hợp Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi định đoạt tài phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ

–  Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi định đoạt tài sản riêng mà tài sản đó là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh. Trong trường hợp này, giao dịch của người từ đủ mười lắm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định tại khoản  2 Điều 77 Luật hôn nhân gia đình.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc. Trong trường hợp này, việc lập di chúc phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, đây là điều kiện bắt buộc để di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được coi là hợp pháp theo khoản 2 Điều 647 và Khoản 2 Điều 652 Bộ luật dân sự 2005.

Trên đây là quy định của pháp luật về định đoạt tài sản của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy liên hệ với Pháp Luật Số 1900 25 25 11 để được giải đáp

Leave a Comment