Điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản hiện nay?

Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật? Quy định về việc cá nhân kinh doanh bất động sản mới nhất.

Điều kiện kinh doanh bất động sản

Theo quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản, Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, Điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản là phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng.

Đối với Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.


Tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập Doanh nghiệp

Căn cứ xác định mức vốn pháp định

Căn cứ xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là dựa vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã. (Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản 2014)

Lưu ý: Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định.

Xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản

Đối với trường hợp pháp luật quy định Kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thành lập theo quy định hoặc kinh doanh bất động sản mà không đảm bảo đủ số vốn pháp định theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP)

>>Xem thêm: Đưa đất không đủ điều kiện vào kinh doanh bị xử phạt như thế nào


Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên

Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên Bao gồm:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tinh tiền sử dụng đất)

– Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể, chia tách.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, bán nhà, công trình xây dựng đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng để xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.

– Các cơ quan, tổ chức khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình.


>>Xem thêm: Điều kiện đưa đất vào kinh doanh theo luật hiện hành

Trên đây là tư vấn của Pháp Luật Số về Điều kiện để tổ chức được kinh doanh bất động sản hiện nay. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với Pháp Luật Số để được tư vấn, giải đáp.

Leave a Comment