CSGT có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông không?

CSGT có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông không? Pháp luật có cho phép cán bộ có hành vi rút chìa khóa xe của người vi phạm không?


Tóm tắt câu hỏi:

Tối t7 vừa rồi, khi tham gia giao thông trên phố Bà Triệu, tôi bị cán bộ CSGT yêu cầu dừng xe do không bật đèn xi nhan khi rẽ. Khi được yêu cầu dừng xe, do biết mình đã vi phạm luật nên tôi đã chấp hành mệnh lệnh. Tuy nhiên anh cán bộ CSGT lại ngang nhiên rút chìa khóa xe của tôi và yêu cầu tôi vào nộp phạt. Vậy cán bộ CSGT có hành vi rút chìa khóa xe của người dân là đúng hay sai? Pháp luật có cho phép cán bộ có hành vi rút chìa khóa xe của người vi phạm không?

Luật sư tư vấn:

Công ty TNHH Tư vấn Pháp Luật Số Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến Pháp Luật Số. Với thắc mắc của anh/chị, Luật sư Phạm Hồng Phúc tư vấn như sau:

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Quyền hạn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT

Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định Quyền hạn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT gồm:

1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

7. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.


Yêu cầu đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ

1. Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công; quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.

3. Khi tiếp xúc với nhân dân, người có hành vi vi phạm pháp luật phải có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp với từng đối tượng được kiểm tra.

4. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định của pháp luật.

5. Đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư -1/2016, CSGT không có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm hành chính mà chỉ có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính. Mà Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính gồm:

– Tạm giữ người;

– Áp giải người vi phạm;

– Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

– Khám người;

– Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

– Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

– Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

– Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

– Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

Như vậy, việc CSGT rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông không được coi là một biện pháp để ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính và trái với quy định của pháp luật.  Ngoài ra, Điều 3 Thông tư 01/2016 quy định cán bộ CSGT khi tiếp xúc với nhân dân, người có hành vi vi phạm pháp luật phải có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp với từng đối tượng được kiểm tra.

Theo đó, nếu anh/chị gặp trường hợp này, anh/chị có quyền khiếu nại hành vi rút chìa khóa xe của CSGT để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.

Trên đây là nội dung CSGT có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông không? Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số.

Không mang giấy tờ xe phạt bao nhiêu? theo quy định mới nhất

Leave a Comment