Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam được quy định tại Nghị định 99/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày ngày 18 tháng 8 năm 2017. Cụ thể như sau:

Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1. Về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

b) Tham gia thẩm định khoa học các đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội:

a) Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

b) Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

c) Những vấn đề cơ bản về phát triển toàn diện con người Việt Nam và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại.

d) Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tâm lý học nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

đ) Những vấn đề cơ bản, toàn diện, có hệ thống về lý thuyết phát triển của Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

e) Những khía cạnh khoa học xã hội của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh giá tác động đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

g) Kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới, đánh giá những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến sự phát triển toàn cầu, khu vực và Việt Nam.

3. Hoạt động điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo kinh tế – xã hội phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, chú trọng những lĩnh vực kinh tế – xã hội chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm và các liên kết vùng.

4. Tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội.

5. Tổ chức các hoạt động điều tra, khai quật, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng, phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

6. Về thực hiện dịch vụ công

a) Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ công được Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.

b) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện dịch vụ công đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

7. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

9. Tư vấn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng trong phạm vi chức năng được giao theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

10. Về hợp tác quốc tế

a) Tổ chức hợp tác nghiên cứu và liên kết đào tạo về khoa học xã hội với các tổ chức quốc tế, các viện và trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

11. Về chế độ thông tin, báo cáo

a) Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực được giao.

b) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin khoa học về kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả hoạt động của cơ quan theo quy định của pháp luật.

12. Về tổ chức bộ máy

a) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, đổi tên các tổ chức, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

b) Quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế công chức, số lượng người làm việc, vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

13. Về quản lý tài chính, tài sản

a) Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Quản lý tài chính, tài sản được giao của Viện theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Leave a Comment