Cho người khác mượn xe gây tai nạn, chủ xe phải bồi thường không?

Cho người khác mượn xe gây tai nạn, chủ xe phải bồi thường không? Trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông trong trường hợp này được pháp luật quy định thế nào?


Tóm tắt câu hỏi:

Tôi là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô Toyota Vios BKS 29A – xx.xxx. Vừa qua, tôi có cho anh A là người quen mượn xe. Anh A đã có giấy phép lái xe. Tuy nhiên sau đó anh A điều khiển ô tô và gây tai nạn chết 1 người. Vậy tôi có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này?

Luật sư tư vấn:

Công ty TNHH Tư vấn Pháp Luật Số Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến Pháp Luật Số. Với thắc mắc của anh/chị, Luật sư Phạm Hồng Phúc tư vấn như sau:

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Ngoài ra, việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông còn được quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS), cụ thể như sau:

– Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị trong trường hợp cho người khác mượn xe gây tai nạn

Trường hợp anh A đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 601 BLDS, xe ô tô được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, Khoản 2 điều luật cũng quy định trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, nếu anh/chị và anh A không có thỏa thuận cụ thể trong trường hợp anh A gây tại nạn thì anh/chị không phải bồi thường mà trách nhiệm bồi thường thuộc về anh A

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây

– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do đó, để có căn cứ xác định trách nhiệm các bên thì phải xác định được lỗi cụ thể của người bị thiệt hại hay lỗi của người điều khiển xe ô tô.

Trường hợp anh A không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Điều 264 BLHS quy định Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể Pháp Luật Số đã liệt kê sẽ bị xử phạt tương ứng.

Khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

– Đăng ký xe;

– Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;

– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới ;

– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Trên đây là nội dung Cho người khác mượn xe gây tai nạn, chủ xe phải bồi thường không? Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số để được tư vấn.

Không mang giấy tờ xe phạt bao nhiêu? theo quy định mới nhất

Leave a Comment