Cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam

Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam là tài liệu về lý lịch tư pháp của cá nhân do cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp cấp. Vậy, pháp luật hiện hành quy định thế nào về thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho đối tượng này? 


Thành phần hồ sơ

1. Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu quy định

2. Bản sao hộ chiếu; Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam (Trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật). Trường hợp không có các giấy tờ này thì có thể nộp hộ chiếu hoặc thị thực rời của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam đóng dấu

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền).

Lưu ý, Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước nơi người đó là công dân hoặc thường trú. Trường hợp ủy quyền theo quy định của pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt. Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền (trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1).


Trình tự thực hiện

Nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp

Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.


Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

200.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 5.000 đồng/Phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.


Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.


Cơ quan thực hiện

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp


Cơ quan có thẩm quyền quyết định

Bộ Tư pháp


Cơ quan phối hợp

– Cơ quan công an: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thực hiện tra cứu thông tin và gửi kết quả tra cứu cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

– Cơ quan Tòa án: Trường hợp sau khi tra cứu thông tin lý lịch tư pháp tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng định đương sự có án tích hay không có án tích.

– Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng: Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng.

– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan, tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan: trường hợp cần xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Trên đây là nội dung về Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam Pháp Luật Số gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Pháp Luật Số để được tư vấn.

Leave a Comment