Các biện pháp phòng chống kiểm soát ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường

Hiện nay, ô nhiễm môi trường ở nước ta đang ở mức báo động. Đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…cùng các tỉnh thành lân cận. Ô nhiễm và suy thoái môi trường không phải là vấn đề của một cơ nhân, một cơ quan hay một tổ chức mà là của toàn xã hội. Các biện pháp phòng chống kiểm soát ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường

Khái niệm 

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật

Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

Các biện pháp phòng chống kiểm soát ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường

Kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường

– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lí hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

– Xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn phù hợp.

– Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.

– Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

– Với các khu công nghiệp, cần có quy định chặt chẽ về xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải, thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải tại đó.

– Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường

Phòng ngừa sự cố môi trường

– Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

+ Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

+ Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường;

+ Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;

+ Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật;

+ Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

– Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:

+ Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương;

+ Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường;

+ Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 năm.

Ứng phó sự cố môi trường

+ Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố;

+ Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố;

+ Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó;

+ Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

>> Xem thêm: Đối tượng nào phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược?

Trên đây là tư vấn của Pháp Luật Số. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

Leave a Comment